Nguyên nhân Ung_thư_phổi

Đồ thị cho thấy sự gia tăng tổng quan về doanh số sản phẩm thuốc lá bán ra tại Mỹ trong bốn thập niên đầu thế kỷ 20 (số điếu thuốc một nam giới một năm) đã dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng tương ứng của tỉ lệ số ca mắc ung thư phổi trong các thập niên 1930, 1940 và 1950 (số ca tử vong trên mỗi 100.000 nam giới mỗi năm)

Ung thư phát triển từ tổn thương ADN về mặt di truyền và những sự biến đổi ngoại di truyền (epigenetic). Những đột biến này ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của tế bào, bao gồm sự tăng sinh tế bào, quá trình chết theo chương trình của tế bào (apoptosis) và sửa chữa ADN. Tổn thương tích lũy càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng tăng lên.[22]

Hút thuốc

Mặt cắt ngang một lá phổi người: vùng trắng ở thùy trên là khối u ung thư, các vùng có màu đen là do khói thuốc gây ra sự biến đổi màu.

Hút thuốc, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết,[23] như là benzo(a)pyren,[24] NNK, buta-1,3-dien, và một đồng vị phóng xạ của poloni đó là poloni-210.[23] Tại các nước phát triển, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới trong năm 2000 được cho là do hút thuốc, tỉ lệ này đối với phụ nữ là 70%.[25] Hút thuốc cũng là nguyên nhân của khoảng 85% số ca mắc bệnh.[6]

Việc hít phải khói thuốc từ một người khác đang hút thuốc, hay thường được gọi là hút thuốc thụ động, là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Các nghiên cứu tới từ Mỹ,[26][27][28] châu Âu,[29] và Anh[30] đã cùng nhất quán chỉ ra mức độ rủi ro là gia tăng đáng kể đối với những trường hợp hút thuốc thụ động.[31] Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20–30% trong khi đối với những người làm việc trong môi trường có khói thuốc là 16–19%.[32] Các nghiên cứu chỉ ra khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc cháy (sidestream smoke) nguy hiểm hơn nhiều so với loại khói mà người hút thuốc trực tiếp hít vào (mainstream smoke).[33]

Khói cần sa cũng chứa nhiều chất gây ung thư tương tự như khói thuốc lá.[34] Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc hút cần sa và nguy cơ mắc ung thư phổi là không rõ ràng.[35][36] Một cuộc xem xét lại thực hiện năm 2013 đã không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ từ việc dùng cần sa ít đến trung bình.[37] Tuy nhiên đợt kiểm tra năm 2014 lại chỉ ra hút cần sa làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư phổi.[38]

Khí Radon

Radon là một loại khí không màu, không mùi được tạo ra từ hoạt động phân rã chất phóng xạ radi là sản phẩm phân rã của urani và được tìm thấy trong lớp vỏ Trái Đất. Các sản phẩm phân rã của quá trình phóng xạ ion hóa vật chất di truyền, gây ra những sự đột biến mà đôi khi chuyển đổi thành ung thư. Tại Mỹ, Radon là nguyên nhân gây ra ung thư phổi phổ biến thứ hai[39] khiến khoảng 21.000 người tử vong mỗi năm.[40] Mức độ tập trung khí Radon tăng lên mỗi 100 Bq/ thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên từ 8–16%.[41] Hàm lượng khí Radon có sự khác biệt tùy vào khu vực và thành phần đất đá ở dưới mặt đất.[42]

Amiăng

Amiăng là loại chất có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Hút thuốc lá và amiăng có ảnh hưởng kết hợp trong việc dẫn tới sự hình thành ung thư phổi.[8] Đối với những người hút thuốc có tiếp xúc với amiăng, nguy cơ mắc bệnh tăng tới 45 lần.[43] Ngoài ra amiăng còn có thể gây ra ung thư màng phổi, được gọi là u trung biểu mô màng phổi (khác với ung thư phổi).[44]

Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ.[45] Lượng nitơ điôxít trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%.[46] Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1–2% số trường hợp mắc ung thư phổi.

Có bằng chứng tạm thời ủng hộ rằng ô nhiễm không khí trong nhà liên quan tới việc đốt củi, than, phân hay tàn dư thực vật phục vụ cho nấu nướng hay sưởi ấm trong gia đình làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.[47] Phụ nữ tiếp xúc (phơi nhiễm) với khói than trong nhà có nguy cơ khoảng chừng gấp đôi và các sản phẩm phụ của việc đốt cháy sinh khối là, hoặc bị nghi ngờ là tác nhân gây ung thư.[48] Nguy cơ này ảnh hưởng đến khoảng 2,4 tỉ người trên toàn cầu[47] và người ta tin rằng nó là nguyên nhân của 1,5% số ca tử vong do ung thư phổi.[48]

Di truyền

Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền.[49] Một người có quan hệ họ hàng với người bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2,4 lần. Điều này khả năng là do sự kết hợp gen.[50] Tính đa hình của các nhiễm sắc thể 5, 6 và 15 có tác động đến nguy cơ mắc ung thư phổi.[51]

Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn nhiều yếu tố khác có mối liên hệ với ung thư phổi, như các chất (hóa học), nghề nghiệp, và kiểu tình trạng tiếp xúc với môi trường. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phát biểu rằng có "bằng chứng đầy đủ" chỉ ra các yếu tố dưới đây là tác nhân gây ra ung thư ở phổi:[52]

  • Một số kim loại (sản phẩm nhôm, cadimi và các hợp chất của cadimi, các hợp chất crom (VI), berili và các hợp chất của berili, sắt và thép nóng chảy, các hợp chất của niken, asen và các hợp chất vô cơ của asen, hematit khai thác dưới mặt đất)
  • Một số sản phẩm của sự cháy (cháy không hoàn toàn, than đá [khí thải phát ra trong nhà từ việc đốt than], khí hóa than, dầu nhựa than đá, than cốc, bồ hóng, khí thải động cơ diesel)
  • Bức xạ ion hóa (bức xạ tia X, bức xạ gamma, plutoni)
  • Một số khí độc (metyl ete [dùng trong công nghiệp], Bis-(clorometyl) ete, mù tạc lưu huỳnh, MOPP [ hỗn hợp vincristin-prednison-mù tạc nitơ-procarbazin ], hơi sơn)
  • Sản phẩm cao su và bụi silic ôxít kết tinh (bụi tinh thể SiO2)